Nghề nuôi ong là một nghề bổ ích và khó khăn. Nó không chỉ đơn thuần là chăm sóc những chú ong và thu thập mật ong để cung cấp cho thị trường. Công việc này đòi hỏi kỹ năng, sự kiên nhẫn và cống hiến rất nhiều của người lao động. Bài viết này sẽ giúp bạn có cơ hội được hiểu rõ hơn về nghề và những góc khuất của nghề nuôi ong mà không phải ai cũng biết.
Nghề nuôi ong là làm gì?
Nghề nuôi ong – cái tên đã nói lên tính chất của công việc. Nhiều người thường nghĩ, nuôi ong cũng tương tự như việc nuôi các loại gia cầm, gia súc khác là xoay quanh việc cho chúng ăn đúng giờ giấc, kiểm tra tình hình sức khoẻ của chúng thường xuyên… Tuy nhiên, công việc của nghề nuôi ong vất vả hơn bạn nghĩ.
Nghề nuôi ong là một nghề khó làm, vất vả và cô đơn. Số người theo được nghề này hơn 2, 3 năm không nhiều. Nhưng khi đã qua giai đoạn đầu thì thường họ sẽ gắn bó với nó cả đời. Có thể cái duyên để đưa một người nào đó đến với nghề này không phải lúc nào cũng đẹp đẽ hay lý tưởng. Người thì vì kế sinh nhai, người thì vì không chọn được những nghề khác nên bắt buộc phải chịu cực chịu khổ đi trên con đường này.
Nhưng nếu được có danh sách những ngành nghề đáng trân quý, có đóng góp cho thiên nhiên, duy trì tồn tại và phát triển của hệ sinh thái thì nghề nuôi ong phải có trong những cái tên đầu tiên.

Nghề nuôi ong là một nghề vất vả.
Nghề nuôi ong có tầm quan trọng như thế nào?
Theo Hội nuôi ong Việt Nam, Việt Nam có khoảng 1,5 triệu đàn ong. Trong số đó, có 1,15 triệu đàn ong ngoại chiếm 76,67% và 350 nghìn đàn ong nội chiếm 23,33%. Số người nuôi ong khoảng 34.000 người, người nuôi ong chuyên nghiệp có khoảng 6.350 người, chiếm 18,67%.
Người nuôi ong chuyên nghiệp tuy chiếm số lượng ít nhưng giá trị kinh tế của họ tạo ra chiếm hơn 85% tổng sản lượng của ngành ong Việt Nam.
Làm nghề nuôi ong chuyên nghiệp cần có những kỹ năng gì?
Để có thể làm nghề nuôi ong một cách chuyên nghiệp, người nuôi ong đòi hỏi phải được đào tạo và có nhiều kỹ năng để vừa đảm bảo giữ an toàn cho loài ong mà còn phải cho ra chất lượng mật ong đạt chuẩn khi thu hoạch. Sau đây là một vài kỹ năng cần có:
Có khả năng thích nghi cao, sức chống chịu tốt
Yếu tố đầu tiên khi làm nghề nuôi ong chính là người lao động cần có thể trạng sức khoẻ tốt, có khả năng thích nghi đối với các điều kiện thời tiết khác nhau.
Nguyên nhân vì người nuôi ong chuyên nghiệp thường sống nay đây mai đó để di chuyển đàn ong đến những vùng có nguồn thức ăn tự nhiên để tránh việc nuôi ong bằng đường. Khi thì di chuyển lên vùng cao nguyên để thu lấy mật ong hoa cà phê, lúc lại về vùng đất Đông Nam Bộ cho ong hút mật hoa chôm chôm, đến vùng Lục Ngạn (Bắc Giang) cho mùa mật hoa vải…
Do đầu ra của họ chủ yếu là xuất khẩu nên chất lượng mật sẽ được kiểm tra rất kỹ lưỡng. Việc dùng đường hay dùng thức ăn bổ sung tại những thời điểm chỉ là giải pháp tạm thời để duy trì sự sống của đàn ong trong điều kiện thời tiết bất lợi khiến ong không thể ra ngoài kiếm ăn như: mưa, bão, gió to…
Có kỹ năng đánh giá vùng thức ăn cho ong
Người nuôi ong chuyên nghiệp phải có kỹ năng đánh giá vùng thức ăn tiềm năng cho ong. Họ thường đi sâu vào những khu vực hoang vắng có nguồn hoa cỏ và cây trồng tiết mật lớn để “cắm trại” giúp đàn ong lưu lại nơi đó để thu hoạch thức ăn tự nhiên.
Mỗi năm, tùy thuộc vào thời tiết, họ thường di chuyển đàn ong từ 5-10 địa điểm khác nhau. Nếu may mắn, không phải di chuyển đàn ong nhiều lần mà vẫn khai thác được lượng mật lớn là xem như năm đó trúng mùa. Ngược lại, công sức một năm sẽ đổ sông đổ biển. Mưa thuận gió hòa, không lũ lụt thiên tai cũng là những mong ước của người nuôi ong để có được một năm bội thu.

Người làm nghề nuôi ong đòi hỏi phải có nhiều kỹ năng khác nhau.
Có kỹ năng của một “nhà sinh học”
Người nuôi ong cũng làm một phần việc của một nhà sinh học khi họ khá am hiểu trong việc phối giống, cấy chúa (cấy ấu trùng để nuôi thành ong chúa).
Họ cũng có kiến thức và khả năng nhận biết những con ong chúa đến tuổi cần phải thay con ong chúa mới để giúp duy trì đàn. Đồng thời, người nuôi ong cũng cần nắm số lượng ong đực cho phép trong đàn ong bao nhiêu là đủ và giữ chúng không được phát triển nhiều hơn số đó, và dĩ nhiên họ cũng luôn có cách để tăng quân cho ong thợ.
Có một nghị lực phi thường
Công việc nuôi ong ngày đây mai đó rất cơ cực. Việc di chuyển đàn ong hầu hết diễn ra ban đêm khi đàn ong đã về tổ nghỉ ngơi. Người nuôi ong dùng xe tải để di chuyển đường dài, kết hợp với sức người di chuyển thùng ong từ trại ra nơi xe tập kết. Tất cả những việc làm nặng nhọc có thể diễn ra trong đêm tối, khi trời mưa to hay gió lớn…
Nơi sinh hoạt của người theo nghề nuôi ong cũng tạm bợ, đơn sơ. Đa phần, họ thường sinh hoạt trong những chiếu lều, trại được dựng tạm bợ bên cạnh khu vực đang được đặt các thùng ong. Lúc mưa thì nước nhỏ giọt, lúc nắng thì nóng râm ran.
Tính chất công việc đầy rẫy những sự khó khăn, duy chỉ có sự gắn bó với nghề sâu sắc mới giúp họ giữ cho mình một tâm hồn an nhiên và một nghị lực phi thường để chấp nhận một cuộc sống khác biệt so với phần còn lại của xã hội nhộn nhịp.
Những điều thú vị chỉ có khi làm nghề nuôi ong?
Cuộc sống của người nuôi ong tuy cơ cực nhưng họ lại được sở hữu những điều thú vị không ai có: sự liên kết mạnh mẽ với thiên nhiên và với những sự quan tâm chân thành nhất giữa con người với con người.
Cụ thể hơn, là mối quan hệ gắn bó với những chú ong bé nhỏ, siêng năng, với con người là những chủ vườn hay chủ trang trại nơi họ đặt ong. Cứ đến mùa hoa nở, điện thoại người nuôi ong lại reo lên, bên đầu dây kia là chủ vườn hồ hỡi báo họ biết khu vực này đã có hoa…
Lễ Tết người nuôi ong hầu như không được về nhà, nhưng họ luôn có được thứ tình cảm quý báu và ấm áp từ những gia đình sống lân cận hay chủ vườn trao tặng. Bấy nhiêu thôi, cũng là đủ an ủi cho tinh thần của những người con xa xứ.

Thường thì con người chọn nghề nghiệp nhưng nghề nuôi ong không bao giờ cho bạn chọn mà nó sẽ chọn bạn.
Những người lao động làm nghề nuôi ong luôn sống giản đơn, suy nghĩ giản đơn, tính toán giản đơn… nên bản thân họ đã toát lên vẻ đẹp hòa nhã cùng thiên nhiên và vạn vật sinh linh. Công việc của họ cao quý dù họ chỉ làm những thứ bình dị và họ xứng đáng được tôn vinh nhiều hơn nữa trong xã hội hiện nay
Nếu có cơ hội gặp gỡ những người nuôi ong, nghe họ chia sẻ về nghề, về đời có lẽ bạn sẽ cảm nhận được sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và chân thành của họ.
Họ sẽ kể cho bạn nghe những câu chuyện mà bạn chưa bao giờ thấy trên các phương tiện đại chúng như: loài ong sinh hoạt như thế nào hàng ngày, tập tính của chúng như thế nào, tiếng ong vo ve khi nào, con ong trinh sát bay cả mấy chục cây số để đi kiếm nguồn mật ra làm sao, con ong Chúa giao phối như thế nào, với mỗi nguồn hoa thì ong sẽ đi lấy mật vào lúc nào…,
Khi nghe những câu chuyện này bạn sẽ không khỏi lấy làm kinh ngạc bởi chúng chẳng khác gì một tổ chức xã hội bậc cao được bố trí hết sức phức tạp nhưng lại vô cùng trật tự và bài bản và chúng ta có thể học hỏi rất nhiều từ loài vật có cánh bé nhỏ này.
Ngành ong Việt Nam vẫn còn gặp khó khăn để đưa thương hiệu mật ong Việt Nam lấy được lòng tin của người tiêu dùng trong nước và có thể đứng ở vị trí cao hơn trên thị trường thế giới. Do đó, những người làm nghề nuôi ong đang cố gắng hết sức vận dụng sự hiểu biết, lòng yêu nghề, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và hơn hết là tình yêu dành cho con người để tiếp tục cố gắng làm việc và đào tạo thế hệ người nuôi ong mới của Việt Nam để đủ sức hoàn thành trách nhiệm của họ với cộng đồng.