Nếu điều trị chậm trễ, người nhiễm bệnh bạch hầu sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến tim, thần kinh, tuần hoàn và hô hấp, thậm chí có thể tử vong trong khoảng 6 – 10 ngày. Vậy bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi được gây ra bởi vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.
Vi khuẩn bạch hầu trú ngụ ở các giả mạc tiết ra ngoại độc tố khiến người bệnh bị suy hô hấp và tuần hoàn, liệt màn khẩu cái làm giọng nói bị thay đổi, sặc và khó nuốt khi ăn uống, lú lẫn; trường hợp nặng người bệnh rơi vào hôn mê và tử vong. Một số trường hợp gây biến chứng viêm cơ tim hay viêm dây thần kinh ngoại biên.
Vi khuẩn bạch hầu rất dễ lây lan. Chúng lây theo đường hô hấp khi nói chuyện, hắt hơi, ho… giọt bắn có chứa vi khuẩn hòa vào không khí, người khỏe mạnh hít phải, nếu cơ thể chưa có miễn dịch chống vi khuẩn bạch hầu sẽ mắc bệnh. Ngoài ra, vi khuẩn bạch hầu cũng có thể lây nhiễm gián tiếp khi tiếp xúc với các vật dụng có dính chất bài tiết hoặc giọt bắn có chứa vi khuẩn bạch hầu. Thời gian ủ bệnh trong khoảng 2 – 5 ngày hoặc hơn kể từ khi nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
Phân loại bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu sẽ gồm 2 phân loại chính: bạch hầu cổ điển và bạch hầu ngoài da.
Bạch hầu cổ điển
Bệnh bạch hầu cổ điển là loại bạch hầu phổ biến nhất, ảnh hưởng đến toàn bộ vùng hô hấp trên bao gồm mũi, cổ họng, amidan và thanh quản. Các triệu chứng bệnh có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí bị ảnh hưởng trong cơ thể người bệnh.
Bạch hầu họng, mũi
Bạch hầu họng, mũi làm người bệnh mệt mỏi, ăn kém, đau cổ họng bởi giả mạc dày và dai trắng ngà, bám chắc vào amidan hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng vòm họng. Trong một số trường hợp bệnh diễn tiến nặng khiến người bệnh xuất hiện các hạch cổ và sưng nề vùng dưới hàm. Trường hợp nhiễm độc nặng hơn người bệnh sẽ tái mặt, mạch nhanh dần dần đờ đẫn, hôn mê, nếu không được điều trị tích cực có thể tử vong nhanh chỉ trong vòng 6-10 ngày.
Bạch hầu thanh quản
Bệnh bạch hầu thanh quản thường xuất hiện với các giả mạc tại thanh quản hoặc từ vòm họng lan xuống dưới. Bệnh tiến triển tranh và đặc biệt nguy hiểm, nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời, giả mạc này có thể phát triển làm tắc đường thở khiến người bệnh suy hô hấp và rơi vào tử vong nhanh chóng.
Bạch hầu ác tính (bạch hầu cấp)
Bệnh bạch hầu ác tính (bạch hầu cấp) thường xuất hiện trong giai đoạn sớm của bệnh, thường từ ngày 3-7 kể từ khi khởi phát. Người bệnh sốt cao từ 39-40 độ C vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc nặng, giả mạc trắng ngà lan rộng, hạch cổ sưng to làm biến dạng cổ dẫn đến hình cổ bạnh.
Bạch hầu ngoài da
Đây là loại bạch hầu hiếm gặp nhất, đặc trưng bởi phát ban da, xuất hiện vết loét hoặc mụn nước ở bất kỳ đâu trên cơ thể. Bệnh bạch hầu da phổ biến hơn ở các quốc gia thuộc vùng khí hậu nhiệt đới hoặc những nơi có mật độ dân cư đông đúc, điều kiện sống và vệ sinh chưa được tốt.
Triệu chứng bệnh bạch hầu
Bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng bệnh bạch hầu điển hình như sốt nhẹ, ho, khàn tiếng, đau họng dẫn đến chán ăn. Sau khoảng 2 đến 3 ngày, xuất hiện giả mạc màu trắng ngà, dày dai, bám chặt vào mặt sau hoặc lan rộng hai bên thành họng, hốc Amiđan (nếu bị Amiđan mãn tính) rất khó bóc tách, nếu cố bóc tách sẽ dễ chảy máu. Đây là một trong những triệu chứng phổ biến, dễ nhận biết của bệnh.
Ngoài ra, khi nhiễm bệnh, người bệnh còn gặp tình trạng da xanh, mệt mỏi, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ.
Bệnh bạch hầu lây lan như thế nào?
Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm lây lan với nhiều hình thức khác nhau, phổ biến nhất là qua đường hô hấp. Mọi người cũng có thể bị bệnh khi chạm vào vết loét hoặc vết loét hở bị nhiễm trùng của người đang mang mầm bệnh.
Những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bao gồm những người tiếp xúc trong gia đình, những người tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân và những người thường xuyên tiếp xúc gần gũi với người nhiễm bệnh. Ngoài ra, bạch hầu còn lây gián tiếp khi người khỏe tiếp xúc với các đồ vật có dính chất bài tiết hoặc giọt bắn chứa vi khuẩn bạch hầu.
Hướng dẫn phòng ngừa bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu đã có thuốc điều trị và hoàn toàn có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng việc tiêm vắc xin. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có vắc xin đơn phòng bệnh bạch hầu, tuy nhiên người bệnh có thể tiêm các loại vắc xin phối hợp trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu, vừa phòng được bệnh bạch hầu vừa phòng được nhiều bệnh truyền nhiễm khác chỉ trong một mũi tiêm.
Khi người có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được đưa đi cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không cho bệnh nhân tiếp xúc với người lành và cần đeo khẩu trang cho cả người bệnh và người chăm sóc.
Bên cạnh đó, mọi người cũng cần chú ý:
- Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; che miệng khi hắt hơi hoặc ho; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.
- Đảm bảo không gian nhà ở, trường học, các nơi công cộng sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.
- Bởi vi khuẩn sẽ xâm nhập cơ thể qua đường hô , do đó người dân cần chủ động giữ vệ sinh vòm họng, súc họng với nước muối sinh lý hoặc sử dụng các sản phẩm sát khuẩn họng chuyên dụng, có nguồn gốc tự nhiên nhằm kháng khuẩn cho họng.
- Với những người xuất hiện các triệu chứng mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Người dân sống trong vùng có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc khám chữa bệnh cũng như các chỉ định phòng bệnh của cơ sở y tế.
Bệnh bạch hầu có tốc độ lây lan rất nhanh, biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là tỷ lệ tử vong cao. Do đó, dù là trẻ em hay người lớn cũng cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống nhằm phòng ngừa nguy cơ vi khuẩn bạch hầu xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh bằng cách bổ sung kháng thể tăng cường đề kháng, giúp vòm họng sạch khuẩn. Đồng thời đến bệnh viện điều trị ngay nếu phát hiện những triệu chứng bệnh, tránh những biến chứng nguy hiểm và hệ lụy đáng tiếc về sau.
Nguồn tham khảo: Báo điện tử Chính phủ, Báo Sức khoẻ đời sống